Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

KHỞI TỐ ÔNG KHAI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP TÀI SẢN: CÓ ỔN???

"Nhìn trộm" được một phần trang 1 và trang cuối cùng của hợp đồng giữa Công ty Bảo Long và Công ty Bảo Sơn trong bài viết này http://petrotimes.vn/news/vn/phong-su-dieu-tra/vi-sao-chu-tich-tap-doan-bao-long-nguyen-huu-khai-bi-bat.html, mình thấy có vài điểm không ổn khi khởi tố ông Nguyễn Hữu Khai về hành vi "sử dụng trái phép tài sản":

Thứ nhất: Đây là hợp đồng giữa hai pháp nhân với nhau mà ở đó ông Nguyễn Hữu Khai và ông Nguyễn Trường Sơn chỉ là đại diện. Nếu có việc tranh chấp hay chiếm giữ tài sản là đối tượng chuyển nhượng thì đó thuần túy là quan hệ giữa hai pháp nhân, tại sao lại đi xử lý cá nhân? Và nếu bên bán sử dụng trái phép tài sản của bên mua thì lý do gì bên mua không khởi kiện ra tòa để buộc bên bán phải chấm dứt hành vi vi phạm? Bộ luật dân sự đã có cơ chế rõ ràng giải quyết vấn đề này rồi. 

Thứ hai: căn cứ theo tên thì đây là hợp đồng để ghi nhận thỏa thuận của 02 đơn vị về việc chuyển nhượng các tài sản sau:
+ Vốn cổ phần: ghi như vậy là sai vì tài sản chỉ có thể là "cổ phần" chứ không phải là "vốn cổ phần". Hơn nữa, thông thường chỉ cổ đông mới sở hữu cổ phần của Công ty nên người chuyển nhượng phải bắt buộc là cổ đông. Công ty chỉ phát hành cổ phần và bán lại cho cổ đông có nhu cầu mua. Vậy, nếu cổ phần là tài sản của ông Khai hoặc các cổ đông khác của Công ty Bảo Long thì bên bán "cổ phần" phải là cá nhân ông Khai hoặc cá nhân cổ đông khác. Ghi Công ty Bảo Long là bên bán "vốn cổ phần" cho thấy các bên chưa hiểu luật và nhầm lẫn;
Hơn nữa, pháp luật phân loại "cổ phần" là một quyền tài sản. Người ta không thể cầm nắm loại tài sản này và ông Khai có thể sử dụng trái phép bằng cách nào? 
+ Tài sản doanh nghiệp: Tạm thời chia ra 02 loại là tài sản doanh nghiệp có đăng ký quyền sở hữu và tài sản doanh nghiệp không đăng ký quyền sở hữu: 
- Đối với không đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu tài sản được xác lập theo thỏa thuận (bên mua có thể là chủ sở hữu hợp pháp ngay sau khi ký hợp đồng); 
- Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu về mặt tài sản của bên mua chỉ được xác lập khi hai bên làm xong thủ tục sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
Vậy, các tài sản có đăng ký quyền sở hữu của Công ty Bảo Long như quyền sử dụng đất, công trình trên đất, ô tô, xe máy... đã được sang tên cho Công ty Bảo Sơn hay chưa? Nếu chưa sang tên thì Công ty Bảo Sơn chưa phải là chủ sở hữu và vì vậy đâu thể phát sinh cái được gọi là "hành vi sử dụng trái phép tài sản"? của bên bán hay ông Nguyễn Hữu Khai? 
+ Bản quyền thương hiệu sản phẩm: do không đọc được nội dung của Hợp đồng nên không đánh giá. 

Thứ ba: Điều 8 có một đoạn sau cực kỳ "vô nghĩa": 
"Kể từ ngày Bên A và Bên B hoàn thành nghĩa vụ trong Hợp đồng này, Bên A không có quyền liên quan đến việc Đầu tư, kinh doanh, khai thác và sử dụng pháp nhân, tài sản, thương hiệu của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long và các công ty chuyển vốn trên (Trừ trường hợp được sự chấp thuận của Bên B)". 
Xin lưu ý: Bên A chính là Công ty cổ phần Tập đoàn Y Dược Bảo Long? Thay thế vào, điều khoản trên tóm lược như sau: ... "Bên A không còn quyền liên quan đến việc đầu tư, kinh doanh, khai thác và sử dụng pháp nhân, tài sản, thương hiệu của "Bên A".... Như vậy, phải chăng đã có tới ... 2 Bên A trong Hợp đồng??? 

Chẳng bênh ai trong vụ việc này nhưng rõ ràng, lùm xùm giữa Bảo Long và Bảo Sơn đã xuất hiện từ lâu. Nguyên nhân vì sao có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu. Tuy nhiên, với vài điểm xin phép mạn đàm ở trên đã cho thấy, nếu thiếu sự thiện chí thì không xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, "chơi lại nhau" sau khi Hợp đồng được ký kết ... mới là lạ. Tiếp đến, cần phải có cái nhìn khách quan về vụ việc, tránh trường hợp hình sự hóa các tranh chấp kinh tế như đã từng xảy ra.  

NGUOIXUDONG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét