Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

ĐIỀU 258 BỘ LUẬT HÌNH SỰ: NƠI HỘI TỤ CỦA NHỮNG MÂU THUẪN PHÁP LÝ?



Trong lúc vụ việc bắt giữ blogger Trương Duy Nhất với cáo buộc đã thực hiện hành vi quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự (BLHS) chưa hết nóng thì ngày 13/6/2013, một blogger nổi tiếng khác – nhà văn Phạm Viết Đào tiếp tục bị Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội bắt khẩn cấp với cáo buộc tương tự khiến cộng đồng mạng Việt Nam, nhất là giới blogger lề trái rúng động.

Một lần nữa, Điều 258 BLHS lập tức được những người quan tâm đặt lên bàn để mổ xẻ, phân tích và bình luận. Nguyên văn của điều luật này như sau:

“Điều 258: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”

Đánh giá về sự thống nhất của Điều luật này trong chỉnh thể hệ thống pháp luật thực định tại Việt Nam đã cho thấy hàng loạt mâu thuẫn:

Thứ nhất, mâu thuẫn với Điều 8 BLHS:
“…hành vi nguy hiểm cho xã hội …” là dấu hiệu cấu thành đầu tiên, cơ bản và đặc biệt quan trong trong khái niệm về tội phạm quy định tại khoản 1, Điều 8, Bộ luật hình sự. Như vậy, chỉ những hành vi nào xác định là “hành vi nguy hiểm cho xã hội” thì mới được xem là hành vi phạm tội (tất nhiên phải hội đủ thêm các yếu tố khác). Suy ngược lại, cùng một loại hành vi nhưng nếu không hoặc ít nguy hiểm cho xã hội thì không phải là tội phạm.
Thế nhưng, cấu thành cơ bản của tội phạm quy định tại Điều 258 BLHS lại là cấu thành hình thức - chỉ cần có hành vi, không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Tức là bất cứ hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” nào của cá nhân “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” thì đều được coi hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Như vậy, Điều 258 đã xóa nhòa ranh giới của tội phạm được quy định tại Điều 8, bởi lẽ: không phải hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ nào (quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do hội họp…) đã/đang/có nguy cơ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân cũng đều nguy hiểm cho xã hội. Trong hàng triệu lợi ích của Nhà nước, hàng ngàn, hàng vạn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân không phải lợi ích nào, quyền nào cũng là lợi ích cơ bản hoặc quyền cơ bản và việc ai đó lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm hại cũng đều gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Đâu có thiếu những tờ báo phải cải chính, rút bài; đâu có thiếu những phát biểu vô căn cứ của cán bộ, đảng viên; đâu có thiếu những cuộc biểu tình, những cuộc tụ tập đông người mà 100% là bất hợp pháp … nhưng đã có mấy ai bị truy cứu theo Điều 258? Tức là sẽ có rất nhiều hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” nhưng lại không phải là tội phạm vì nó không hoặc ít nguy hiểm cho xã hội.

Thứ hai, mâu thuẫn với Điều 20 BLHS:
Điều luật này định nghĩa “đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Và “người tổ chức, người thực hành, người xúi giục (kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm), người giúp sức đều là những người đồng phạm”. Khi hai người trở lên cùng phạm vào một tội thì tùy từng mức độ, họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt được quy định của tội ấy.
Nhưng trong khi “người thực hành” hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” thì người xúi giục (kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm) lại vô can. Vì lẽ, điểm i, khoản 3, Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 đã quy định:
Điều 7: Hành vi vi phạm trật tự công cộng
……
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
….
i) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Ông A lợi dụng các quyền tự do dân chủ để lôi kéo, kích động ông B cũng lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân nhưng trong khi ông B bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 258 thì ông A lại chỉ bị xử phạt hành chính theo điểm i, khoản 3, Điều 7 Nghị định 73. Vậy hiệu lực của Điều 20 BLHS được lý giải thế nào trong trường hợp này?

Thứ ba, Điều 258 “đá” hàng loạt quy định của Chính phủ:
 Trong mỗi lĩnh vực quản lý Nhà nước, Chính phủ lại ban hành các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó để xử lý hành vi vi phạm.
Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản (liên quan đến quyền tự do báo chí): Chính phủ có Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 06/11/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản;
Trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội (liên quan đến quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp...), Chính phủ có  Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội…;
Các Nghị định trên quy định hàng loạt hành vi về bản chất là hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân song chỉ là vi phạm hành chính (không có dấu hiệu tội phạm) và bị xử lý hành chính. Chẳng hạn như các hành vi: có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (điểm a, khoản 1, Điều 7 Nghị định 73); báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điểm b, khoản 2, Điều 7 Nghị định 73); tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm đ, khoản 2, Điều 7, Nghị định 73); tập trung đông người trái pháp luật tại khu vực tại các địa điểm, khu vực cấm (điểm m, khoản 3, Điều 7 Nghị định 73); viết, tán phát, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm p, khoản 3, Điều 7, Nghị định 73); thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng (điểm a, khoản 4, Điều 7 Nghị định 02); đăng, phát thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điểm đ, khoản 3, Điều 7, Nghị định 02) …

Nhưng như đã phân tích, cấu thành cơ bản của tội phạm quy định tại Điều 258 là cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi, không cần có hậu quả xảy ra đã là hành vi phạm tội. Nói cách khác, cùng một hành vi, “người ta” có thể truy cứu trách nhiệm hành chính và cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng hành với nhiều bài phân tích khác, đã có bằng chứng rõ ràng về sự không phù hợp của Điều 258 BLHS với các tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu và cơ bản. Trong một xã hội văn minh, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập nhiều công ước quốc tế quy định về các quyền cơ bản của con người như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình … thì các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung, đặc biệt là quy định của Bộ luật hình sự cần phải thống nhất, khoa học, chính xác và đơn nghĩa. Thuần túy sử dụng yếu tố định tính làm cơ sở xác định tội phạm và hình phạt sẽ không thể tránh khỏi tình trạng tùy tiện trong hoạt động áp dụng pháp luật của chính các cơ quan tư pháp, khiến các quyền tự do dân chủ của người dân bị xâm hại trong không ít trường hợp./.

                                                                                                      NGUOIXUDONG



  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét