Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

CHỈ XỬ LÝ HÌNH SỰ KẺ TRỘM CHÓ THÔI CHƯA ĐỦ

Trang tin điện tử giaoduc.net.vn vừa đăng bài trả lời phỏng vấn của Ls Trần Đình Triển về vấn nạn trộm chó và truy bức kẻ trộm chó đang hoành hành ở nhiều địa phương (Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/LS-Tran-Dinh-Trien-Can-xu-ly-hinh-su-cac-doi-tuong-trom-cho-de-ran-de/301956.gd

Đồng ý một phần với giải pháp do Luật sư đưa ra nhưng như vậy là chưa đủ vì nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này không hoàn toàn thuộc về những tên ... cẩu tặc. 

Ở các vùng nông thôn hiện nay, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc, tình trạng trộm cắp vặt diễn ra hết sức phức tạp. Không chỉ trộm chó, những kẻ đạo tặc còn trộm cắp nhiều thứ khác của người dân như: gà, vịt, thóc lúa, hoa màu, đồ đạc sinh hoạt, thậm chí cả con cá dưới ao... Có ông anh ở quê mới điện thoại lên than thở: cả nhà đi thu hoạch lúa ngoài đồng lúc chiều, tuốt được 9 bao thóc. Chập tối, vợ chồng đi ra ngoài có việc; trở về lúc 11h đêm, kẻ trộm đã kip khuân đi 8 bao thóc. 

So với xã hội, hậu quả của từng vụ trộm cắp vặt không lớn. Nhưng với từng hộ nông dân, đó lại là cả một vấn đề. Khác với công chức, những người nông dân lam lũ kia có quyền xót xa nhiều hơn vì đó là kết tinh của những giọt mồ hôi mặn chát, những ngày làm việc cực nhọc, vất vả từ sớm đến tối khuya hay những khoản đầu tư không nhỏ cho phân bón, thức ăn, thuế má, lệ phí ...

Sự bức xúc ấy càng được nhân lên khi liên tiếp ngày này qua ngày khác, hết gia đình này đến gia đình khác bị mất tài sản mà không hoặc rất ít trường hợp bị xử lý và người dân nhận được các khoản đền bù. 

Vậy, trách nhiệm chính thuộc về ai? 

90% thuộc về các cơ quan hữu trách. Trộm cắp không chỉ là hành vi chiếm đoạt tài sản của người bị hại; nghiêm trọng hơn, đó là hành vi xâm hại trật tự luật pháp, trật tự xã hội và Nhà nước với cương vị là cơ quan ban hành, thực thi, bảo vệ pháp luật và quản lý xã hội đương nhiên phải có trách nhiệm giải quyết. 

Một ngày có bao nhiêu vụ trộm cắp vặt xảy ra trong cộng đồng dân cư? Hoàn toàn không có con số thống kê. Trong lúc ấy, chính quyền cơ sở "ăn" đến tận thôn, xóm, bản, phum, sóc... Đã không có những chỉ đạo nhất quán, kịp thời và cương quyết về việc thống kê các vụ việc xảy ra làm cơ sở thực hiện quan trọng để ban hành các biện pháp để khắc phục thực trạng. Người dân mất nhưng không thông báo vì tài sản quá nhỏ; chính quyền thì không biết... đó là căn nguyên tất yếu nhóm lên những âm ỉ của sự cuồng nộ. 

Rồi đã có bao nhiêu con số thống kê cho thấy tỷ lệ xử lý thành công các vụ trộm cắp vặt. Đừng nói tới chế tài xử lý vì chúng đã "đầy rẫy" trong hệ thông pháp luật. Từ trách nhiệm hình sự cho đến trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự. Trộm tài sản giá trị trên 2 triệu đồng thì khởi tố hoặc dưới mức đó nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng khởi tố bình thường. Trường hợp không thể khởi tố thì xử phạt hành chính, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để phạm tội (xe máy của đạo tặc cũng là một tài sản đáng kể). Về dân sự thì bồi thường đầy đủ, thỏa đáng cho người dân bị mất tài sản. Rõ ràng, con người, cơ chế và quy trình xử lý không thiếu. Thiếu ở đây là ý thức của những người có trách nhiệm, bao gồm ý thức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính mình, ý thức về việc trau dồi và tiếp thu nghiệp vụ, ý thức về sự xót xa tài sản của người dân như của chính mình, ý thức trung thực trong các báo cáo gửi tới cấp trên về tình hình ổn định an ninh trật tự ở địa phương ... 

Ls Triển cho rằng phải xử lý hình sự kẻ trộm chó. Đúng. Nhưng còn những "kẻ" thiếu trách nhiệm để cẩu tặc mặc sức hoành hành thì có xử lý không và xử lý như thế nào? 

NGUOIXUDONG

                                                                                                


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét