Người dịch: Quốc Thanh
Bài này trích từ “Nghiên cứu về lịch sử thành lập nước Cộng hòa nhân
dân Trung Hoa -2” 《中华人民共和国建国史研究2》 Tác giả: Dương Khuê Tùng Nơi xuất
bản: Nhà xuất bản nhân dân Giang Tây Năm xuất bản: 9.2009. (Xin xem:
book.douban.com/subject/3923370/).
ĐẠO NGHĨA QUỐC TẾ VÀ LỢI ÍCH QUỐC GIA: HÒA ĐÀM GENÈVE NĂM 1954 – NỖI KHÓ XỬ CỦA TRUNG QUỐC
Nước Trung Quốc mới vừa được thành lập đã bị cuốn ngay vào 2 cuộc
chiến tranh quy mô lớn với nước ngoài. Một cuộc là Chiến tranh Triều
Tiên xảy ra ngoài cương giới vùng Đông Bắc Trung Quốc, một cuộc nữa là
Chiến tranh Đông Dương xảy ra ngoài cương giới phía nam Trung Quốc. Cả
hai cuộc chiến tranh này gần như đồng thời diễn biến thành Chiến tranh
kháng Mỹ viện Triều và Chiến tranh viện Việt kháng Pháp của Trung Quốc,
và không hề ngẫu nhiên, chúng hiển nhiên đều có mối liên quan chặt chẽ
với đặc tính chính trị của chính Trung Quốc. Nếu như nói Trung Quốc buộc
phải dùng hình thức chí nguyện quân để trực tiếp tham gia vào Chiến
tranh Triều Tiên, đồng thời trên thực tế trở thành kẻ gánh vác chủ yếu
cho cuộc chiến tranh này, rồi còn có thể ở một chừng mực nào đó mà quy
nguyên nhân cho sự can thiệp quy mô lớn của “quân đội Liên hợp quốc” do
Mỹ đứng đầu, nhen ngọn lửa chiến tranh tới bờ Áp Lục Giang, đe dọa
nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc, thì việc Pháp bổ sung
lực lượng cho cuộc Chiến tranh Đông Dương chỉ là để kéo dài sự thống trị
thực dân đã một dạo bị mất đi của mình, chứ không hề cấu thành sự đe
dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc mới, vậy thì vì sao
chính quyền Trung Quốc mới lại vẫn cứ chi viện với hầu hết mọi hình
thức, trừ xuất quân? Rất rõ ràng rằng, bất luận là Chiến tranh Triều
Tiên hay Chiến tranh Đông Dương, điều thúc giục chính quyền Trung Quốc
mới buộc phải quan tâm cao độ và tích cực viện trợ không hề chỉ là do
chúng liên quan đến vấn đề an ninh của chính Trung Quốc. Một nguyên nhân
còn quan trọng hơn là những người cộng sản Trung Quốc đã chiến thắng
tin rằng họ phải thi hành nghĩa vụ quốc tế của mình.
Do đã có Trung Quốc là hậu phương lớn an toàn, do đã có kinh nghiệm
chiến tranh của Trung Quốc cùng sự viện trợ quân sự và vật tư trực tiếp
của nước này mà Việt Nam độc lập đồng minh
[i]
chỉ vẻn vẹn trong thời gian có mấy năm, đã nhanh chóng từ yếu biến
thành mạnh, đã xoay chuyển được tình thế chiến trường, bắt đầu trở thành
một lực lượng lớn mạnh đủ sức thách thức với ách thống trị của thực dân
Pháp. Song, chính giữa lúc đối sánh lực lượng hai bên bắt đầu phát sinh
bước ngoặt lịch sử, thì một cuộc Hội nghị Genève năm 1954 đã khiến cho
giữa Việt Nam và Pháp đi đến thỏa thuận về phân định ranh giới đình
chiến. Hàng vạn bộ đội và cán bộ của Việt Nam độc lập đồng minh buộc
phải từ miền Nam Việt Nam và Lào, Campuchia rút về miền Bắc Việt Nam,
mục tiêu giải phóng hoàn toàn Việt Nam và giải phóng Lào, Campuchia,
thành lập Liên bang Đông Dương cách mạng trong mộng tưởng vốn có đã phải
từ bỏ vì thế, Việt Minh chỉ được có một nửa Việt Nam. Mà đóng vai trò
chính trong vạch ranh giới đình chiến lại chính là các nhà lãnh đạo
Trung Quốc mới đã luôn luôn tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng
Đông Dương. Vì sao chính sách đối ngoại của Trung Quốc mới lại có sự
thay đổi quan trọng và nhanh chóng như vậy? Gần đây, một số nhân chứng
và nhà nghiên cứu đã đưa ra một vài sự giải thích về việc chính quyền
Trung Quốc mới điều cố vấn quân sự cho Việt Minh cùng những nỗ lực hòa
bình trong Hội nghị Genève…, song dường như vẫn thiếu sự bàn thảo có hệ
thống và đi sâu về tình hình và bối cảnh chuyển đổi chính sách của Trung
Quốc mới. Bài này thử bàn về vấn đề này có kết hợp với những gì đã kinh
qua trong chuyển đổi chính sách của Trung Quốc mới.
Giải phóng Đông Dương?
Ngày 2.9.1945, trước tình huống Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, thông
qua cuộc “Cách mạng Tháng Tám” dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông
Dương, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố ra đời, Hồ Chí Minh giữ
chức Chủ tịch Chính phủ lâm thời nhân dân. Song, do phe Đồng minh tuyên
bố Đông Dương từ vĩ tuyến 16 về phía nam là khu vực đầu hàng của quân
đội Anh, về phía bắc là khu vực đầu hàng của quân đội Trung Quốc (tức
Quốc dân đảng), nên sau đó quân đội Pháp đã tiến vào với quy mô lớn với
sự hỗ trợ của quân đội Anh, mưu đồ khôi phục sự thống trị thực dân của
mình đã bị người Nhật cướp mất. Hồ Chí Minh buộc phải tuyên bố thành lập
Việt Nam độc lập đồng minh, phát động Chiến tranh chống Pháp trước tình
hình quân Pháp Bắc tiến quy mô lớn, để giành lại độc lập và thống nhất
cho Việt Nam.
Cuộc Chiến tranh chống Pháp của Việt Nam ngay từ đầu đã là một cuộc
đấu không cân sức. Đảng Việt Nam trước đây chỉ mới đánh chiến tranh du
kích, bộ đội vừa không được huấn luyện lại vừa thiếu kinh nghiệm chiến
tranh chính quy, cộng thêm không có vũ khí tương đối hiện đại, lại phải
đối mặt với quân đội Pháp trang bị đầy đủ, đặc biệt là có ưu thế về chi
viện không quân, Chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam ngay từ
đầu đã ở vào tình cảnh khá khó khăn. Căn cứ địa Trung ương Đảng Việt Nam
tuy ở vùng núi Việt Bắc, lại gần biên giới Trung Quốc, nhưng lại thường
xuyên bị quân Pháp càn quét và ném bom, đường thông biên giới cùng các
yếu điểm chiến lược quan trọng đều bị quân Pháp chiếm giữ. Trước tình
hình ấy, sau khi được tin nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, Hồ
Chí Minh, từng là cộng sự suốt thời gian dài với Đảng cộng sản Trung
Quốc, đã liên lạc điện đài với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khi
cuộc Chiến tranh chống Pháp nổ ra, lập tức cử ngay người tới Bắc Kinh
yêu cầu Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc viện trợ.
Trung Quốc mới được những người cộng sản Trung Quốc thành lập trong
chiến tranh, đã căn cứ vào lý luận cách mạng của Mao Trạch Đông, dùng
phương pháp vũ trang để đoạt chính quyền, đi theo con đường lấy nông
thôn bao vây thành thị. Vì thế, từ thời kỳ Diên An cho đến sau khi Trung
Quốc mới được thành lập, Mao Trạch Đông luôn kiên trì giữ vững quan
điểm “nhiệm vụ trọng tâm và hình thức tối cao của cách mạng là vũ trang
đoạt chính quyền, là lấy chiến tranh giải quyết vấn đề. Nguyên tắc cách
mạng theo chủ nghĩa Mac-Lenin này là đúng phổ biến, dù là ở Trung Quốc
hay ở các nước, nhất loạt đều là đúng”. (Mao Trạch Đông tuyển tập, Quyển
2, tr. 541). Chính xuất phát từ quan điểm này, những người cộng sản
Trung Quốc ngay từ buổi đầu thắng lợi đã tích cực khích lệ Đảng cộng sản
các nước lạc hậu học theo tấm gương của mình. Mặc dù, khi xem xét đến
hoạt động cách mạng ở một số nước Châu Á vẫn còn hết sức khó khăn, “hết
sức tránh công khai”, họ không thể không có đôi chút bảo lưu khi tuyên
truyền về đường lối cách mạng Trung Quốc, song thái độ hi vọng vào kinh
nghiệm của Trung Quốc có thể mở ra con đường giải phóng cho người dân
các nước lạc hậu ở họ thì lại rất dễ dàng nhận thấy. (Lưu Thiếu Kỳ văn
cảo, tr. 39-42, tr. 134-135). Vì thế, Hồ Chí Minh lại giương cao ngọn cờ
đấu tranh vũ trang, đồng thời cầu viện nơi họ, đương nhiên là họ đã
tích cực ủng hộ.
Tháng 12.1949, các đại biểu Lý Ban, Nguyễn Sơn do Hồ Chí Minh cử đi
đã tới Bắc Kinh, yêu cầu Đảng cộng sản Trung Quốc gửi cán bộ quân sự cho
họ, đồng thời đề nghị cung cấp trang bị cho 3 sư đoàn và viện trợ tài
chính 10 triệu USD. Do lúc này Mao Trạch Đông đã đi thăm Moskva, nên Lưu
Thiếu Kỳ chủ trì công việc của Trung ương ở Bắc Kinh chịu trách nhiệm
toàn diện về công tác viện Việt. Ông không chỉ gửi điện cho bộ đội của
Lâm Bưu và Trần Canh vừa mới tới Quảng Tây, vẫn còn chưa kết thúc tác
chiến hoàn toàn, yêu cầu họ “trinh sát tình hình con đường liên lạc giữa
Quảng Tây với bộ đội Hồ Chí Minh”, chuẩn bị cung cấp sự viện trợ cần
thiết cho Đảng Việt Nam, đồng thời đặc biệt gửi điện nói với Đảng Việt
Nam là mong họ cử một đoàn đại biểu chịu trách nhiệm về mặt chính trị bí
mật tới Trung Quốc để thảo luận và quyết định thiết lập mối quan hệ hai
đảng cùng các vấn đề trong đấu tranh phản đế. Khi được biết về vấn đề
phía Việt Nam yêu cầu điều cán bộ quân sự sang giúp quân đội nhân dân
Việt Nam tác chiến, Lưu Thiếu Kỳ và các nhà lãnh đạo khác đã nhanh
chóng quyết định phái La Quý Ba, chủ nhiệm Văn phòng Quân ủy Trung ương
Đảng cộng sản Trung Quốc đưa người tới Việt Nam khảo sát tình hình, để
quyết định xem viện trợ và tuyển chọn cử đi các nhân viên quân sự ra
sao. Dĩ nhiên, khi cân nhắc đến tình hình Trung Quốc mới vừa được thành
lập, sự thống nhất chưa thực hiện được, chiến tranh vẫn đang tiếp diễn,
về kinh tế lại càng cực kỳ khó khăn…, Lưu Thiếu Kỳ và các nhà lãnh đạo
khác ở Bắc Kinh sau khi bàn bạc, “chỉ đồng ý cung cấp cho Việt Nam một
phần đạn dược vũ khí, thuốc men” và một phần vật tư, không đáp ứng được
yêu cầu cung cấp trang bị cho 3 sư đoàn và 10 triệu USD từ phía Việt
Nam. Còn Mao Trạch Đông ở Moskva sau khi được báo cáo lại, đã tỏ thái độ
tích cực còn rõ hơn cả Trung ương ở trong nước. Sau khi được biết Hồ
Chí Minh sẽ đến Bắc Kinh, ông yêu cầu Trung ương Đảng cộng sản Trung
Quốc một cách rõ ràng rằng: “Với những khoản Việt Nam yêu cầu viện trợ,
cái nào có thể được thì nên đáp ứng. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Đổng Tất Vũ,
Nhiếp Vinh Trăn đều nên tới ga đón”. (Lưu Thiếu Kỳ văn cảo, tr.165, tr.
186-188).
Trung tuần tháng 1.1950, Trung Quốc tuyên bố lập quan hệ ngoại giao
với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp đó, Hồ Chí Minh bí mật bay qua
Bắc Kinh tới Moskva, cùng trao đổi với Stalin, Mao Trạch Đông về nhiều
vấn đề như xây dựng Đảng Việt Nam, Mặt trận dân tộc, quân sự và ngoại
giao…
Trong cuộc hội đàm, lãnh đạo hai Đảng Trung-Xô
đều biểu thị rõ thái độ quyết tâm viện trợ cho Việt Nam giành thắng lợi
trong đấu tranh chống Pháp. (Lưu Thiếu Kỳ văn cảo, tr. 343-348). Theo
sự phân công của hai Đảng Trung-Xô, phía Trung Quốc nhanh chóng thành
lập Đoàn cố vấn quân sự do Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn, đồng thời tổ
chức cho quân đội vận chuyển từ Liễu Châu qua Nam Ninh đến biên giới các
loại vũ khí đạn dược và thiết bị quân sự mà phía Việt Nam cần, thậm chí
theo kế hoạch đã trao đổi thống nhất, sẽ đưa các sư đoàn 308 (thiếu 1
trung đoàn) và 309, trung đoàn 174 Quân đội nhân dân Việt Nam bí mật đi
vào trong các căn cứ địa Nghiễn Sơn Vân Nam và Tĩnh Tây Quảng Tây đã
chuẩn bị riêng sẵn, để hai quân khu Quảng Tây chịu trách nhiệm thay đổi
trang bị toàn diện và tiến hành huấn luyện.
Tháng 6.1950, Trung ương Đảng Việt Nam sau khi đã trao đổi lại với
đại diện La Quý Ba của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, đồng thời
với Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua La Quý Ba, đã quyết
định phát động Chiến dịch Biên giới, nhằm phá vỡ vòng phong tỏa của quân
Pháp đối với Căn cứ địa Việt Bắc, mở tuyến giao thông Trung-Việt. Vì
thế, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc không chỉ căn cứ theo yêu cầu
của Đảng Việt Nam ra lệnh cho Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc nhanh chóng
tới tiền tuyến Việt Bắc, tổ chức thành lập Ủy ban chi viện, phụ trách
việc huy động và vận chuyển các vật tư viện trợ như lương thực, đạn dược
thuốc men…, đặt bệnh viện dã chiến để thu hồi và chữa trị thương binh
quân Việt Nam, đồng thời còn cử thêm Trần Canh, Phó tư lệnh Quân khu Tây
Nam kiêm Phó tư lệnh Quân khu Vân Nam, với danh nghĩa đại diện Trung
ương Đảng cộng sản Trung Quốc, tới hiệp trợ tiến hành chỉ huy việc tổ
chức toàn bộ chiến dịch.
Trần Canh và những người khác bí mật lên đường tới Việt Nam vào
thượng tuần tháng 7, sau khi đã nghiên cứu kĩ cùng với Mao Trạch Đông về
ý tưởng và phương án cụ thể của Chiến dịch Biên giới, ngày 16.9, tức
vào ngày thứ hai quân Mỹ đổ bộ lên Incheon Triều Tiên, đã hiệp trợ các
nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam như Võ Nguyên Giáp…chỉ huy Quân đội
nhân dân Việt Nam nổ súng mở màn chiến dịch này. Mao Trạch Đông lúc này
một mặt quan tâm cao độ đến tình hình Chiến tranh Triều Tiên, mặt khác
vẫn đích thân tham gia chỉ đạo Chiến dịch Biên giới của Việt Nam, phê
duyệt các báo cáo chiến trận từ tiền tuyến đồng thời có những chỉ thị
cần thiết, yêu cầu quân dân Việt Nam bắt được địch xong phải “kiên
quyết, triệt để tiêu diệt, cho dù có bị thương vong tương đối lớn cũng
không được tiếc rẻ, không được dao động”. (Nhóm biên soạn lịch sử Đoàn
cố vấn, tr.22). Chính nhờ sự giúp đỡ to lớn từ phía Trung Quốc mà chỉ
trong thời gian chưa đầy 1 tháng, tức vào trước ngày Chí nguyện quân
nhân dân Trung Quốc chính thức xuất quân tới Triều Tiên, Chiến dịch Biên
giới đã giành được thắng lợi quan trọng. Chiến dịch này tiêu diệt được
toàn bộ 8 tiểu đoàn địch, bắt sống khoảng 8000 tên, tịch thu một lượng
lớn vũ khí đạn dược, thu hồi 5 thành phố, 13 huyện thị trấn, hệ thống
phòng ngự tại biên giới Trung-Việt của quân Pháp hoàn toàn bị tan rã,
tuyến giao thông Trung-Việt được khơi thông triệt để, cả một vùng biên
giới dài 750km trở thành căn cứ địa vững chắc của Đảng Việt Nam.
Cuộc Đấu tranh viện Việt kháng Pháp sau đó của Trung Quốc gần như
đồng bộ với cuộc Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều. Trong khoảng thời gian
hơn 3 năm, chính quyền Trung Quốc mới mặc dù đứng trước một loạt những
vấn đề phức tạp có liên quan tới toàn bộ lợi ích quốc gia như phục hồi
kinh tế, Chiến tranh Triều Tiên và củng cố chính quyền…, lẽ ra cần rút
ngắn chiến tuyến, giảm bớt ngoại viện, song điều mà Mao Trạch Đông và
các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc cân nhắc nhiều hơn cả hiển
nhiên là nghĩa vụ quốc tế của mình, chứ không phải chỉ là lợi ích quốc
gia đơn thuần. Họ không chỉ huy động một lượng lớn súng pháo, đạn dược
và các loại vật tư từ bộ đội trong nước vốn không dư dả gì để cung cấp
cho quân dân Việt Nam, giúp đỡ trang bị và huấn luyện bộ đội bộ binh,
pháo binh, công binh…, đồng thời còn hiệp trợ cụ thể cho Trung ương Đảng
cộng sản Việt Nam tổ chức một loạt các hành động chiến dịch trọng yếu.
Từ góc độ tác chiến quân sự với quân Pháp, đồng thời cũng là từ góc độ
giải phóng toàn bộ Đông Dương, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc còn
tích cực ủng hộ Đảng Việt Nam mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia,
giúp đỡ cuộc đấu tranh giải phóng Lào và Campuchia. Tới khoảng năm
1953, cuộc Đấu tranh chống Pháp đã mở rộng sang cả Lào và Campuchia,
đồng thời hình thành nên lực lượng chống trả của 3 nước Đông Dương lấy
Việt Nam độc lập đồng minh làm cốt cán. (Tiền Giang, tr.72-74, 96-97;
Nhóm biên soạn lịch sử Đoàn cố vấn, tr.21-22, 56, 60, 88-89; Thực lục,
tr.42).
Đi đến Genève
Thái độ tích cực của Trung Quốc mới đối với việc viện trợ cho Việt
Nam cùng cuộc Đấu tranh giải phóng toàn bộ Đông Dương, đối với cuộc
Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều được tiến hành gần như đồng thời, đã
phản ánh rất rõ quyết tâm dám gánh vác trách nhiệm lịch sử viện trợ cho
phong trào cách mạng Châu Á của các nhà lãnh đạo Trung ương Đảng cộng
sản Trung Quốc. Đặc biệt là khoảng 2 tháng sau khi xuất quân sang Triều
Tiên, tháng 2.1950, chí nguyện quân đã đánh lui quân Mỹ cùng “quân đội
Liên hợp quốc” bất khả chiến bại ra khỏi ngoài sông Áp Lục tới vài trăm
dặm, giúp Đảng lao động Triều Tiên đoạt lại Bắc Triều Tiên, đồng thời
cuối cùng đã trụ vững được ở gần đường ranh giới quân sự phân giới
Nam-Bắc Triều Tiên, điều này càng làm cho Mao Trạch Đông và các nhà lãnh
đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thêm phần coi khinh Đế quốc Mỹ. Kết quả
là, giữa 3 bên Trung-Xô-Triều, Trung Quốc là bên đảm nhận trách nhiệm
tác chiến chủ yếu nhất lại là bên cuối cùng tán thành thỏa hiệp đình
chiến với Mỹ. (Dương Khuê Tùng, tr.12).
Tháng 3.1953, Stalin qua đời, thái độ của giới lãnh đạo Liên Xô đối
với Chiến tranh Triều Tiên thay đổi đột ngột, cộng thêm Bắc Triều Tiên
cũng tha thiết mong muốn thực hiện hòa bình, chính quyền Trung Quốc tuy
hết sức bất bình với thái độ của Mỹ về vấn đề tù nhân chiến tranh…, song
khi xem xét đến tình hình này cũng áp dụng phương châm thỏa hiệp. Tháng
7, Chiến tranh Triều Tiên sau khi đã trải qua cục diện đánh đánh đàm
đàm kéo dài khoảng 2 năm trời, cuối cùng đã thực hiện đình chiến. Triều
Tiên đình chiến, đặc biệt là sự thay đổi về thái độ của giới lãnh đạo
Liên Xô, là dấu hiệu báo trước toàn bộ mối quan hệ quốc tế, nhất là mối
quan hệ căng thẳng giữa hai mặt trận lớn Xô-Mỹ sẽ bắt đầu chuyển sang
hòa hoãn cùng với tình thế này. Sau khi trải qua chiến tranh và căng
thẳng kéo dài gần 3 năm, chính sách hòa hoãn được sự ủng hộ và đóng vai
trò chủ đạo của Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô cũng dần dần được sự
tán đồng của lãnh đạo Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng
Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chu Ân Lai, rõ ràng là mong
muốn nhìn thấy một môi trường quốc tế hòa bình, có thể để cho Trung Quốc
mới bắt đầu xây dựng nền kinh tế quy mô lớn. Với tư cách là người đại
diện chủ yếu nhất đề xướng nền ngoại giao hòa bình, ông nêu rõ: Mặc dù
sự đối lập giữa hai mặt trận lớn vẫn là cơ bản, nhưng nó không có nghĩa
là chiến tranh tất phải xảy ra. “Nếu như cuộc chiến tranh mới có thể đầy
lùi được, thì cũng có thể được ngăn chặn”. Hiện nay, “điểm cơ bản trong
chính sách của chúng ta là thực hiện chung sống hòa bình và cạnh tranh
hòa bình giữa các nước theo các chế độ khác nhau”. (Chu Ân Lai niên phổ,
tr.305).
Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều là cuộc giao đấu đầu tiên của người
cộng sản Trung Quốc với người Mỹ, đồng thời cũng là cuộc chiến tranh
hiện đại đầu tiên mà họ đã trải qua. Mặc dù kết quả của cuộc chiến tranh
khích lệ lòng người, song rất nhiều nhà lãnh đạo trong Đảng đã nhìn ra,
thắng lợi của “[hạt] kê cộng với súng trường” qua kinh nghiệm cho thấy
rõ là không đủ để ứng phó với vũ khí quân sự hiện đại được trang bị đến
tận răng của quân Mỹ, giữa hai bên có sự chênh lệch lớn về trang bị, hỏa
lực và hải không quân, khiến cho Trung Quốc mới không chỉ phải chi trả
sự hi sinh lớn hơn nhiều so với Mỹ, mà còn phải nhờ vào trang bị quân sự
của Liên Xô mới có thể duy trì được khả năng đọ sức quân sự tiến hành
trong thời gian dài trên chiến trường với Mỹ. Sự thực ấy cũng khiến cho
lãnh đạo Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhận rõ được tính tất yếu
và tính cấp bách của việc nhanh chóng thực hiện công nghiệp hóa Trung
Quốc, nhằm thúc đẩy hiện đại hóa quốc phòng.
Trung Quốc mới ở buổi đầu thành lập thương tích đầy mình, mọi thứ đều
đợi xây dựng lại, nhiệm vụ khôi phục và xây dựng kinh tế hết sức nặng
nề. Song nếu tiến hành chiến tranh sẽ làm hạn chế nghiêm trọng việc nhà
nước dồn lực lượng chủ yếu đầu tư vào xây dựng kinh tế. Năm 1950, 52%
chi tiêu tài chính quốc gia là chi phí quân sự, 60% trong đó dành cho
viện trợ chiến tranh chống Mỹ. Đến năm 1952, tuy chiến tranh đã bước vào
giai đoạn giằng co, chi phí quân sự vẫn chiếm tới 33% tổng chi tiêu tài
chính quốc gia, phần chủ yếu trong đó cũng dùng vào Chiến tranh kháng
Mỹ viện Triều. Nghe nói, vì cuộc chiến tranh dài gần 3 năm này, Trung
Quốc đã mất khoảng 10 tỷ USD. (Lực Bình, tr.261; Diêu Húc, số 5 năm
1980). Mặc dù năm 1952, khi Chu Ân Lai dẫn đầu đoàn đại biểu đi thăm
Liên Xô đã chú trọng đề xuất với Liên Xô giúp Trung Quốc thực hiện công
nghiệp hóa và thực thi Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, song trước khi chiến
tranh kết thúc,các khoản viện trợ cụ thể vẫn khó lòng thực hiện được
hòan toàn. Hầu hết khoản tiền trị giá 300 triệu USD mà Mao Trạch Đông đã
ký vay trong chuyến thăm Liên Xô vào đầu năm 1950 và khoản viện trợ của
Liên Xô cho đến trước khi kết thúc chiến tranh sau đó đều không thể
không dùng cho chiến trường kháng Mỹ viện Triều và vào việc đổi mới
trang bị cho bộ đội. Vì thế, cùng với Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất năm
1953 bắt đầu được thực thi toàn diện, nhất là vào ngày 15.6 năm đó, Mao
Trạch Đông bắt đầu đề ra Đường lối chung của thời kỳ quá độ xã hội chủ
nghĩa, công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa
được triển khai toàn diện, tạo một môi trường quốc tế hòa bình ổn định ở
ranh giới đình chiến của Triều Tiên, nhằm tập trung lực lượng thực hiện
bước quá độ của chủ nghĩa xã hội, cần nói đó cũng là một sự lựa chọn
chiến lược mà đa số lãnh đạo Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc mong
muốn nhìn thấy.
Triều Tiên đình chiến, thái độ của Trung Quốc mới đối với cuộc Chiến
tranh Đông Dương nhanh chóng bắt đầu trở thành một vấn đề buộc phải cân
nhắc. Bởi vì, cũng giống như Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Đông
Dương thực sự cũng đã trở thành một điểm nóng chiến tranh đối kháng giữa
Trung Quốc và Mỹ. Cũng vào năm 1950, Pháp khôi phục lại sự thống trị ở
Việt Nam đã được sự ủng hộ công khai ở một chừng mực nào đó của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson vào ngày 11.5 năm này từng ra một tuyên bố
riêng loan tin để ngăn chặn sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản ở Đông
Nam Á, Mỹ sẽ cung cấp viện trợ về quân sự và kinh tế với hàng chục triệu
USD. Sau đó, mặc dù Chiến tranh Triều Tiên đã kiềm chế cực lớn sức mạnh
của Mỹ, song Mỹ vẫn luôn trợ giúp Pháp tiến hành chiến tranh về ngoại
giao và vật chất. Từ năm 1951 đến 7.1954, chính phủ Mỹ chỉ trong phần
lên kế hoạch đã có mức viện trợ cung cấp cho Pháp để dùng cho chiến
trường Đông Dương đã lên tới con số hơn 20 tỉ USD. (Lôi Anh Phu, tr.57).
Sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Mỹ dĩ nhiên sẽ dồn sự chú ý
nhiều hơn đến Đông Dương, khả năng xảy ra cuộc chiến tranh ở Đông Dương
giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên đáng kể.
Lường đoán về nguy cơ Mỹ có khả năng dính líu vào cuộc Chiến tranh
Đông Dương chắc chắn là xuất phát điểm chủ yếu mà Trung ương Đảng cộng
sản Trung Quốc cân nhắc chính sách vào lúc này. Sau khi Chiến tranh
Triều Tiên vừa mới kết thúc, lại triển khai một cuộc đọ sức quân sự mới ở
Đông Dương với các nước Pháp, Mỹ…, hiển nhiên không phải là điều mà các
nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc mong muốn. Việc xuất quân kháng
Mỹ viện Triều vào năm đó đã từng dẫn đến tranh luận gay gắt trong nội bộ
Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, cho dù phải coi trọng cao độ chủ
nghĩa quốc tế, song Mao Trạch Đông chủ trương xuất quân cũng không thể
không cân nhắc tới việc sẽ đem lại một loạt những vấn đề phức tạp về
quân sự và ngoại giao, vì thế phải suy đi tính lại lợi hại được mất.
Chiến tranh Triều Tiên cuối cùng cũng đã kết thúc, nếu như lại xảy ra
chiến tranh trực tiếp với Mỹ lần nữa ở Đông Dương, thì không chỉ môi
trường hòa bình có lợi cho triển khai việc xây dựng nền kinh tế quy mô
lớn do đình chiến Triều Tiên hình thành nên sẽ không tồn tại, Trung Quốc
sẽ lại phải vác gánh nặng chiến tranh, mà cả điều kiện tác chiến ở
Đông Dương cũng khác một trời một vực với điều kiện tác chiến ở Triều
Tiên. Năm đó sở dĩ phải xuất quân sang Triều Tiên, một cân nhắc quan
trọng là vì ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc đều nằm ở 3 tỉnh vùng
Đông Bắc, để Mỹ tiến đến bờ sông Áp Lục, thì vùng Đông Bắc sẽ không có
ngày nào yên. Còn sở dĩ có thể xuất quân sang Triều Tiên được, một cân
nhắc quan trọng cũng là vì Triều Tiên ở rất gần các cơ sở công nghiệp
của Trung Quốc và Liên Xô là nước cung cấp viện trợ quân sự, đủ để bảo
đảm cho sự cung ứng kịp thời những trang bị và vật tư cần cho chiến
tranh. Tác chiến ở Đông Dương sẽ không có được tiền đề như vậy. Không
chỉ sự đe dọa từ bên ngoài không nghiêm trọng bằng, mà còn với tình
trạng tòan bộ hệ thống giao thông ở Nam Bộ tương đối kém, nếu muốn vượt
qua cả đất Trung Quốc để vận chuyển kìn kìn những trang bị và vật tư cần
cho chiến tranh xuống cương giới phía nam thì cũng quá là khó khăn. Hơn
nữa, địa hình địa mạo của Đông Dương cũng rất bất lợi cho sự tác chiến
của những binh đoàn lớn. Lưu ý đến những nhân tố này, sau khi chính phủ
Liên Xô đề xuất ý tưởng cũng vạch ranh giới đình chiến ở Đông Dương
giống như Triều Tiên, nhiều nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc dĩ
nhiên đã nghiêng về hướng chọn lựa sự ủng hộ hòa bình rất nhanh.
Tất nhiên, một bàn tay đâu làm nên tiếng vỗ. Lúc này vừa hay đại đa
số người Pháp cũng mong muốn đình chiến. Chiến tranh liên tục hơn 6 năm
trời, gây hao tổn một lượng lớn nhân lực vật lực và cả sinh mệnh của lớp
thanh niên Pháp, lại nhìn rõ mồn một lực lượng Việt Nam độc lập đồng
minh đang ngày một lớn mạnh, hi vọng tiêu diệt được chính quyền Hồ Chí
Minh ngày càng mờ mịt, cộng thêm Triều Tiên lại đang thực hiện đình
chiến, tâm lí chán ghét chiến tranh của dân chúng Pháp dĩ nhiên là ngày
một tăng. Về điều này, Đảng Việt Nam cũng hiểu khá rõ. Mặc dù sự lường
đoán về điều kiện hòa bình của họ vẫn còn không giống hẳn với Trung Quốc
và Liên Xô, nhưng Hồ Chí Minh sau khi nhận được lời đề nghị từ phía
Liên Xô cũng đã hưởng ứng rất nhanh bằng bài nói chuyện công bố công
khai vào 11.1953. (Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 2, tr.263).
Sau khi được sự chấp thuận của 2 đảng Trung, Việt, tháng 1.1954, Bộ
trưởng ngoại giao Liên Xô Molotov đã đưa ra đề nghị về hòa hoãn cục diện
quốc tế, đồng thời thảo luận về vấn đề áp dụng các biện pháp có liên
quan tại Hội nghị ngoại trưởng tại Berlin do 4 nước Mỹ, Anh, Pháp và
Liên Xô triệu tập, trong đó có bao gồm vấn đề thực hiện đình chiến ở
Đông Dương. Do nhận được sự hưởng ứng từ Pháp và Anh, khi cuộc Hội nghị
ngoại trưởng kết thúc vào 19.2, Bộ trưởng ngoại giao 4 nước đã nhất trí
tuyên bố đồng ý triệu tập Hội nghị Genève vào 2 tháng sau đó, để thảo
luận riêng về giải quyết hòa bình cho vấn đề Triều Tiên và vấn đề đình
chiến ở Đông Dương. (Bell, tr.23 và tr. 178). Nhận được tin này, Chu Ân
Lai nhận định rõ ràng: Hội nghị Genève đóng vai trò quan trọng trong
việc làm dịu tình hình căng thẳng quốc tế, Trung Quốc không chỉ cần tham
gia tích cực, mà còn phải tranh thủ giải quyết một số vấn đề tại
Genève. Trước tiên, phải tranh thủ thực hiện ngừng bắn lấy vĩ tuyến 16
làm đường ranh giới Nam-Bắc, thông qua khẩu hiệu thống nhất hòa bình,
độc lập dân tộc và bầu cử tự do mà thúc giục Pháp rút quân, phản đối sự
can thiệp của Mỹ, nỗ lực làm cho chính phủ Hồ Chí Minh trở thành chính
phủ hợp pháp duy nhất do người dân Việt Nam bầu ra. Cho dù trong Hội
nghị có không đi đến bất cứ thỏa thuận nào, thì cũng phải làm cho cuộc
đàm phán hòa bình này không đến nỗi bị gián đoạn hoàn toàn, tranh thủ
hình thành cục diện vừa đánh vừa đàm, nhắm làm gia tăng những khó khăn
trong nội bộ Pháp và những mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ. Thứ đến là tranh
thủ mở ra con đường giải quyết tranh chấp quốc tế bằng sự thương lượng
giữa các nước lớn, thừa cơ tăng cường các hoạt động ngoại giao và quốc
tế của chính mình, phân hóa phe đế quốc chủ nghĩa, phá vỡ sự phong tỏa
và cấm vận của Mỹ đối với Trung Quốc mới. Tại Hội nghị Ban thư ký Trung
ương Đảng cộng sản Trung Quốc, chủ trương này của Chu Ân Lai đã được
phê chuẩn. (Chu Ân Lai niên phổ, tr. 355-356; Lý Liên Khánh, tr.7-11).
Tình thế quân sự lúc này ở Đông Dương rõ ràng là có lợi cho Việt Nam,
Lào và Campuchia. Hồi mùa thu năm 1953, Trung ương Đảng cộng sản Trung
Quốc đã căn cứ theo Kế hoạch quân sự đã có được từ Tổng tư lệnh viễn
chinh Đông Dương Navarre của Pháp để đề xuất với Việt Nam phương châm
chiến lược tiêu diệt trước tiên quân địch ở vùng Lai Châu, giải phóng
Bắc và Trung Liêu Quốc
[ii], sau đó chuyển dần chiến trường về hướng Nam Lào và Cao Miên
[iii],
uy hiếp Sài Gòn. Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đã dựa vào đó để soạn
thảo Kế hoạch tác chiến mùa đông lấy việc đoạt lại cả vùng Tây Bắc làm
mục tiêu. Navarre hiển nhiên cũng ý thức được giá trị chiến lược của
vùng Tây Bắc Việt Nam, vì thế đã không ngần ngại dốc toàn lực sống mái
đột ngột điều 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống yếu địa chiến lược Điện Biên Phủ
gần biên giới Lào ở phía tây bắc Việt Nam, từ đó liên tục gia tăng binh
lực, mở sân bay, xây công sự, tích trữ vật tư quân sự, tạo thành cụm
Tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố, đồng thời tăng quân sang lào, điều 6
tiểu đoàn chiếm các vùng Mãnh Khê, Mãnh Khoa…, thiết lập phòng tuyến
Nam Ô Giang liên kết Thượng Lào với Điện Biên Phủ. Hành động này của
quân Pháp chính là đã tạo ra một cơ hội tiêu diệt địch để quân đội nhân
dân Việt Nam tập trung lực lượng chuẩn bị tác chiến Tây bắc. Hai bên
Trung-Việt nhanh chóng trao đổi ấn định Kế hoạch Chiến dịch Điện Biên
Phủ, đồng thời không chút chần chừ liên tục điều đến xung quanh Điện
Biên Phủ bộ đội lựu đạn, pháo cao xạ của quân đội nhân dân được trang bị
huấn luyện tại Trung Quốc, cùng bộ đội pháo binh, công binh vốn có của
quân đội nhân dân. Trong khi đó, các bộ đội khác của quân đội nhân dân
lần lượt Nam tiến ồ ạt theo kế hoạch đã định. Đến trung tuần tháng 2,
các cuộc tấn công vào Thượng, Trung, Hạ Lào của quân đội nhân dân đều
giành được những thành công rất lớn, về cơ bản đã thực hiện được kế
hoạch mở tuyến giao thông chiến lược Nam-Bắc Đông Dương như đã định,
đồng thời kiểm doát được 6 con đường quốc lộ theo hướng Đông-Tây là số
6, 7, 8, 9, 12…, phần lớn các tuyến giao thông chiến lược tại Đông Dương
của quân Pháp đều bị chặt đứt, như vậy, một lượng lớn binh lực của Pháp
đổ vào Điện Biên Phủ sẽ không tránh khỏi như cá nằm trong chậu.
Tích cực đánh là để giành lấy hòa. Càng gần đến ngày họp Hội nghị
Genève, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc lại càng chủ trương phải
đánh hăng hơn một chút. Phương châm “Lấy đánh thúc hòa” đã được đề ra
trong tình thế như vậy. (Từ Diệm, tr.243-244). Sau khi phương châm tham
gia Hội nghị Genève đã được xác định, Chu Ân Lai gọi điện riêng cho Đoàn
cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam, yêu cầu Đoàn cố vấn và quân đội
nhân dân trước khi thảo luận về vấn đề khôi phục hòa bình Đông Dương
tại Hội nghị Genève, “để giành được thế chủ động về ngoại giao, liệu có
thể làm giống như trước đình chiến Triều Tiên là tổ chức đánh vài trận
thật đẹp tại Việt Nam hay không”. (Nhóm biên soạn Lịch sử Đoàn cố vấn,
tr.88-89; Chu Ân Lai niên phổ, tr.358). Thế là vấn đề thực thi Chiến
dịch Điện Biên Phủ đã được đưa vào chương trình nghị sự.
Chiến dịch Điện Biên Phủ mang ý nghĩa khá quan trọng đối với việc
giành được quyền chủ động ngoại giao tại Hội nghị Genève của Việt Nam,
buộc chính phủ Pháp phải đồng ý phân giới đình chiến. Ngày 13.3, Chiến
dịch mở màn. Quân ủy Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc quan tâm chặt
chẽ, sẵn sàng giúp đỡ quân đội nhân dân giải quyết mọi vấn đề vào bất cứ
lúc nào, bao gồm điều cán bộ công binh lao ra tiền tuyến, giúp đào hào
ngầm dùng thuốc nổ phá tung cứ điểm quân địch, lâm thời tăng viện một
trung đoàn pháo tên lửa tổng cộng 24 tiểu đoàn pháo cùng huy động một
lượng lớn xe giúp vận chuyển một lượng lớn đạn dược, vũ khí và lương
thực… cần cho chiến dịch. Thái độ của Mao Trạch Đông rất rõ ràng: Không
chơi đau người Pháp thì không thể giải quyết được vấn đề. Quân dân Việt
Nam không chỉ phải chuẩn bị nắm lấy Điện Biên Phủ, nhanh chóng chiếm lấy
Luang Prabang, mà còn phải chuẩn bị tinh thần lỡ ra Hội nghị Genève
không có kết quả, thì phải đoạt lấy Hà Nội, tấn công Sài Gòn, giải phóng
toàn bộ Đông Dương. (Mao Trạch Đông văn cảo, tr.474-475).
Đương nhiên, muốn chơi đau được người Pháp, lại muốn không để cho
Pháp nghiêng về phía Mỹ là nước chủ chiến, đòi hỏi phải có mẹo đáng kể.
Ngày 19.4, đúng vào ngày Chu Ân Lai chính thức được bổ nhiệm làm trưởng
Đoàn đại biểu nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đi dự Hội nghị Genève,
ông liền đặc biệt tiếp kiến đại sứ Ấn Độ là người luôn truyền đi thông
điệp giữa Trung Quốc, Mỹ và Anh, muốn ông ta “nói với các nước Phương
Tây như Anh, Pháp… rằng họ đang đứng trước hai con đường phải lựa chọn
lấy một, hoặc là quan hệ tốt với nhân dân Châu Á, do đó mà bảo đảm được
một phần lợi ích cho họ, hoặc là cự tuyệt con đường này, chọn lấy con
đường đi cùng với Mỹ, do đó mà sẽ mất tất cả”. “Đoàn đại biểu Trung Quốc
sẽ làm hết sức mình để tìm cách đi đến thỏa thuận, nhất là đi đến thỏa
thuận về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương”. (Chu Ân Lai niên phổ,
tr. 360-361). Lưu ý tới tác động nguy hiểm của Mỹ, Mao Trạch Đông cảnh
báo lãnh đạo Quân ủy: Phải tính đến khả năng Việt Nam có ngừng bắn. Ngay
cả sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đại thắng quân Pháp, cánh cửa
tấn công Lào và Hà Nội đã được mở ra, thì ông ta vẫn cứ yêu cầu tiền
phương phải khống chế quy mô tác chiến, không được mở rộng, chỉ giữ ở độ
gây áp lực vừa phải, để giành lấy sự thành công ở cuộc đàm phán Genève.
(Mao Trạch Đông văn cảo, tr. 480, 509). Sách lược này của Trung ương
Đảng cộng sản Trung Quốc đã đạt được mục đích lôi kéo Mỹ, Pháp trung
lập, đi đến thỏa thuận.
(Còn tiếp 1 kỳ)
Nguồn: Mạng Trung Quốc 360doc.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2013
(Theo basam.info)
[i] Gọi tắt: Việt Minh –ND.
[iv] Tức New Zealand. Tôi để theo cách gọi của người VN trước đây –ND.