(VTC News) - Cả trăm “xã hội đen” đi ủng, mặc áo bơm hơi, đội mũi bảo hiểm, đi phía sau xe xúc lật, và hai bên đoàn xe tải.
Loạt bài dân lập 'chiến lũy' chống xã hội đen:

Bài 2: Thực hư chuyện cả trăm xã hội đen càn quét dân làng?

Khi phóng viên đang trò chuyện với cụ Phạm Văn Áp, 80 tuổi (Châu Xá, Kinh Môn, Hải Dương), người cao tuổi nhất xung phong chống lại xã hội đen, thì anh Nguyễn Văn Sơn, chen ngang kể chuyện. Anh Sơn là anh trai của anh Nguyễn Văn Hanh, người đại diện cho dân làng tố cáo nhà máy gây ô nhiễm. 

Theo lời anh Sơn (sau này phóng viên đã xác minh lại qua anh Nguyễn Văn Hanh), thì anh Hanh mới bị xã hội đen khủng bố bằng phân và bị chúng vác gậy đóng chi chít đinh đuổi đánh bán sống bán chết ngay trước nhà mình, trước mắt dân làng. Sợ bị truy sát, anh Hanh đã đi trốn, còn anh trai tiếp tục thay thế công việc của em.

Anh Sơn kể tiếp lời cụ Áp, bởi anh là người trực tiếp “chiến đấu” trong đêm tối, nên anh rành rẽ hơn hẳn: Hôm đó là rạng sáng 27/6, hơn 12 giờ đêm, anh H. công nhân của Nhà máy xi măng Thành Công 2 đang làm việc ở trên đỉnh lò, nhìn thấy một đoàn xe xuất phát từ máng nghiền đá cạnh bờ sông, chỗ Nhà máy xi măng Thành Công 2, ở đầu thôn Châu Xá. Xe xúc lật đi đầu tiên. Phía sau là một đoàn xe tải.
Hải Dương
Cụ Phạm Văn Áp nhận nhiệm vụ đánh kẻng báo động dân làng khi có xã hội đen tấn công 
Đang nửa đêm về sáng, mà cả đoàn xe nổ máy, tiến rầm rầm khiến anh H. khó hiểu, nên lập tức điện cho anh Nguyễn Văn Hanh. Anh Hanh thức dậy, trèo lên mái nhà quan sát. Anh thấy đoàn xe từ đầu làng đi xuống, vòng qua đường khai thác đất sét của Nhà máy xi măng Phúc Sơn vào khu vực nhà máy của công ty Trường Khánh.

Một lát sau, tiếng rít của xe xúc lật cùng đoàn xe tải, khoảng 7-8 chiếc vang lên từ phía Nhà máy Trường Khánh, rồi lù lù tiến về phía lều tạm do người dân Châu Xá dựng lên, chốt chặn. Khi đó, người dân chưa rải đá hộc dọc đường, nên đoàn xe tiến lên khá dễ dàng.

Thấy đoàn xe nổ ầm ĩ tiến về phía lều bạt, 8 người đang ngủ trong lều bật thức dậy. Tiếng kẻng dồn dập vang lên. Lát sau, kẻng trong làng Châu Xá, Trại Xanh, Nhẫm Dương cùng vang rền. Cả ngàn người dân ở các thôn trong xã Duy Tân thức giấc, cùng đổ xô ra cánh đồng, với gậy gộc trong tay. Thanh niên khỏe mạnh được huy động vác đá ném vào đoàn xe.
Hải Dương
Người dân Châu Xá chuẩn bị đá làm vũ khí chống lại xã hội đen 
Theo lời anh Sơn, con đường khá nhỏ nên chiếc xe xúc lật kềnh càng đã choán hết đường. Chiếc xe xúc lật được bố trí đi trước, giương gầu lên cao. Theo lời người dân Châu Xá, thì có đến cả trăm “xã hội đen”, đi ủng cao đến gối, mặc áo bơm hơi lùng bùng, trông béo như củ khoai tây, đội mũi bảo hiểm kín mít, đi phía sau xe xúc lật, và 2 đi thành hàng hai bên đoàn xe tải. “Xã hội đen” tên nào tên nấy với vũ khí trang bị tận răng!

Người dân ném đá về phía đoàn xe, thì bị gầu xe xúc cản lại. Đá ném vào người “xã hội đen” chỉ kêu bồm bộp, chẳng ăn thua gì. Nhiều người cầm gậy gỗ, gậy sắt vụt, dùng liềm bổ song cũng chỉ phát ra tiếng kêu bồm bộp mà thôi.

Mặc dù nhận mưa đá, song đoàn “xã hội đen” vẫn lù lù như bộ binh tiến lên. Chỉ khi đến chỗ cái cống đã bị dân đập vỡ một nửa, xe xúc lật sa lầy, gầu múc hạ xuống, người dân ném vỡ kính xe, thì đoàn “xã hội đen” mới chịu rút lui.

Ông Lê Đức Tài, trưởng thôn Châu Xá, cũng xác nhận với phóng viên rằng, có chuyện “tập đoàn xã hội đen” vào làng hành hung dân trong đêm 26, rạng sáng 27/6. Ông Tài cũng xác nhận có 1 xe xúc lật và 8 xe tải, nhưng chỉ có khoảng hơn 40 tên xã hội đen, chứ không đến 100 tên như dân đồn đoán.
Hải Dương
 
Hải Dương
Chiếc xe xúc lật bị sa lầy 
Cũng theo lời ông Tài, đêm đó lực lượng an ninh huyện, công an xã cũng có mặt bảo vệ nhân dân. Tuy nhiên, lực lượng công an quá mỏng, không thấm vào đâu so với “tập đoàn xã hội đen”. Khi đoàn xe của xã hội đen tiến lên, công an đã nổ mấy phát súng chỉ thiên cảnh báo, nhưng đoàn xe không dừng lại. 

Ông Tài cũng xác nhận từ phía đoàn “xã hội đen” có tiếng súng nổ bùm bụp, nhưng là súng gì thì không rõ và cũng không thể khẳng định họ bắn dân hay chỉ nổ súng đe đọa mà thôi. 

Sau trận hỗn chiến đó, một “xã hội đen” bị thương, phải đi cấp cứu. Phía nhân dân thôn Châu Xá thì ông Phạm Văn Quý (60 tuổi) suýt mất mạng. Theo lời người dân, ông Quý bị máy xúc lật gạt ngã xuống ruộng, rồi lọt vào tay chúng, nên mọi người không ứng cứu được.

Đoàn người bí hiểm này đã dùng xẻng dài 2m, gậy đóng đinh vụt nhiều nhát vào người ông Quý. Khi nhóm người lạ này rút đi, mọi người tìm thấy ông Quý bất tỉnh dưới ruộng. Dân làng khiêng ông Quý vào trạm xá xã. Lúc này, cả làng náo loạn vì nhận được tin ông Quý đã qua đời. Tuy nhiên, mạch ông Quý vẫn đập, nên trạm y tế chuyển đi cấp cứu ở Bệnh viện tỉnh Hải Dương.

Ông Quý bị gãy 3 xương sườn, dập nát xương tay, rách đầu. Hiện không ai biết ông Quý đang được điều trị ở đâu vì gia đình không tiết lộ, sợ bị trả thù. 
Hải Dương
Anh Nguyễn Văn Sơn chỉ nơi ông Quý bị đánh trọng thương 
Mặc dù nhân dân thôn Châu Xá đều khẳng định có xã hội đen càn quét dân làng, nhưng bà Nguyễn Thị Bên, Bí thư huyện ủy Kinh Môn lại cho biết: “Không có chuyện xã hội đen vào đánh dân, rồi càn quét dân như một số người kể lại. Ngay khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo công an vào cuộc điều tra, làm rõ vấn đề.

Hiện chưa có kết luận của bên công an, nhưng tôi khẳng định không có xã hội đen trong vụ việc này. Đây chỉ là hiểu lầm giữa nhân dân và công nhân của các nhà máy. Chiếc máy xúc lật đó là của Công ty Vững Mạnh, chuyên khai thác đá cho Nhà máy xi măng Trung Hải.

Hôm 26/6, khoảng 11 giờ đêm, chứ không phải rạng sáng 27-6, thấy không có dân chốt chặn ở đường, nên công ty cử lái xe đi vào núi lấy đá, gồm cả xe xúc lật lẫn xe tải. Vì việc chở đá nặng, xe tải thường xuyên sa lầy, nên xe xúc lật làm nhiệm vụ ứng cứu.

Thế nhưng, khi đoàn xe vào núi, người dân đã đuổi đánh, khiến lái xe phải chạy từ trong núi ra ngoài. Người dân đánh ngất một lái xe của công ty, chứ không phải đánh ngất xã hội đen như họ kể. Người dân thì đều hiền lành, thật thà, nhưng sự việc trở nên ầm ĩ thế này là do một số phần tử quá khích kích động”.

Bài tiếp: Vì đâu người dân phải ‘lập chiến lũy’?

Phạm Ngọc Dương
(Nguồn: vtc.vn)